Bây giờ thì giai điệu ấy vắng lắm rồi, chỉ năm thì mười họa mới thấy. Chứ ngày trước, mở mắt ra, sương còn đọng trên cánh lá, nắng còn khuất mãi chân trời, tiếng trâu đánh sừng hục hoặc đã nghe rõ. Mẹ vẫn thường mở đầu câu chuyện như vậy. Có lẽ vì thế mà những ngày đánh cá bằng lưới, chài hay rập đối với mẹ, đến giờ vẫn là hồi ức đẹp đẽ, khó quên.
Những năm 60 của thế kỷ XX, dân chài xóm Đạo đưa nhau về bãi đất bên sông lập làng Ninh Hải. Con sông Hệ Dưỡng hiền hòa, mềm như dải lụa uốn lượn dưới chân núi. Cả làng làm nghề chài lưới. Mỗi gia đình tá túc trong khoang thuyền gỗ khoảng tám đến mười mét vuông, cả nhà lênh đênh dọc triền sông. Tuy nhiên, phương tiện chính để đánh bắt cá lại là chiếc thuyền nan loại nhỏ chỉ dùng cho một người chèo thả lưới.
Thuyền đan bằng nứa hay tre gai, dùng vỏ cây sắn thuyền giã nát, nhào với sơn ta thành một thứ tựa như mastics. Đây là chất keo dính tuyệt hảo để trét vào các kẽ nan trong công nghệ làm thuyền truyền thống của dân chài. Keo mịn và nhuyễn, trát làm nhiều lớp. Nhưng chưa xong. Muốn thuyền không bị rò rỉ, phải thêm vài ba lần quét lớp keo ấy nữa. Chờ khô mới có thể “hạ thủy” được.
Để tạo thế khi ngồi chèo, một tấm phên tre dày đặt kín một khúc thuyền, làm khoang chứa cá bên dưới. Chèo là hai thanh tre già, to cỡ bàn tay, dài khoảng bốn mươi phân. Khi thả lưới, người ngồi trên tấm đan trong lòng thuyền, hai tay cầm hai cái thanh tre đó để bơi. Nhìn mặt nước phán đoán chỗ nào có cá, mới thả dần theo hình chữ chi. Tùy theo phương thức đánh bắt mà dùng lưới then một, một rưỡi hay then hai, then ba. Then một là một ngón tay người đưa vào lọt vừa mắt lưới. Then hai là hai ngón, then ba là ba ngón. Thả xong, bơi thuyền ra xa, dùng hai mái chèo bằng thanh tre già, gõ vào cạnh thuyền cho phát ra tiếng kêu đuổi cá. Gặp những chỗ cỏ lau, lác hay có chà rào, cành cây, người đứng trên thuyền nhún lắc cho thuyền dập dềnh, xua cá chạy vướng lưới.
Chèo thuyền đuổi cá là lúc nhàn nhã và thanh thản nhất. Trên trời xanh, dưới sông nước, hai bên bờ hương lúa, hương hoa theo gió la đà sà xuống mặt sông. Sóng lăn tăn vỗ nhẹ bên mạn thuyền. Không gian thanh bình khiến tâm hồn thư thái. Những lúc như thế, tay gõ thanh tre vào mạn thuyền, giữa hương thơm cỏ cây và sự trong trẻo của sông nước, mẹ nhớ đến những bài thánh ca du dương, và rồi tự nhiên cất lên tiếng hát.
Dưới miền xanh miên man của sông nước, tiếng gõ mạn thuyền dường như trở thành tiếng phách giữ nhịp cho giai điệu của bài ca tràn trên sóng, chảy lênh loang theo dòng nước sóng sánh, hòa vào đôi bờ mươn mướt xanh của bãi mía. nương dâu. Cuộc sống tuy vất vả nhưng không thiếu niềm vui.
Chẳng biết tự khi nào, dân chài xóm Đạo bỏ nghề hạ bạc lên bờ, rủ nhau vào hợp tác xã làm ruộng, ăn chia theo công điểm bèo bọt. Nhà thuyền kéo lên bờ, dầm mưa dãi nắng. Chỉ những chiếc thuyền nan nhỏ bé là được cất gác cẩn thận, chờ tháng ba ngày tám mới hạ xuống, mang ra sông kiếm chút tôm cá tươi cho gia đình. Tiếng gõ mạn thuyền lạch cạch vang lên theo sóng vỗ bờ.
Chiến tranh, trai tráng lên đường tòng quân, công việc đồng áng, việc nhà đều do đàn bà con gái gánh vác. Bến sông thành nơi đưa tiễn, hẹn hò… Tiếng gõ mạn thuyền thành âm điệu da diết của sự chờ mong của tháng năm xa, thành lời hẹn thủy chung của người ở lại. Giai điệu của làng quê, của bến sông như găm vào tim người đi nỗi nhớ.
Rồi chiến tranh qua, người về, người ở lại nơi mé rừng, chân núi. Bến sông còn đó, những ngôi “nhà thuyền” mục nát theo thời gian. Người trai của mẹ cũng một đi không về. Từ đó mẹ bỏ sông rồi gặp bố và sinh ra chị em chúng tôi. Nhưng với mẹ, mối tình đầu ấy không bao giờ nguôi ngoai trong con tim. Có những chiều, mẹ lẳng lặng ra bờ sông nhìn về phía bên kia, nơi thủa trước cô gái làng tiễn chàng trai ra trận. Những giai điệu của sông cùng tiếng thánh ca ngân nga theo nhịp tay chèo cũng xa dần…
Lòng bâng khuâng hoài niệm về tuổi ấu thơ, có lúc tôi tự hỏi, liệu còn ai đó nhớ đến làng chài xưa với những chiếc thuyền nan gõ nhịp đuổi cá trên sông? Bây giờ người ta làm thuyền tôn bằng công nghệ dập nguội, âm nghe nặng và đanh, sắc của loài kim thuộc, hoàn toàn vô cảm.
Kể đến đây, bao giờ mẹ cũng nuốt tiếng thở dài, đôi mắt nhìn xa xa, hoang hoải. Những giai điệu của sông, những âm thanh từ tiếng gõ mạn thuyền ngày nào vẫn thức trong nỗi nhớ thương của mẹ. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, năm tháng đã lùi vào sâu quá khứ, nhưng với mẹ, ký ức ấy vẫn tươi mới và vẹn nguyên. Đó chính là âm thanh tiếng gõ mạn thuyền cùng giai điệu của sông một thời mẹ đã đi qua.
Tôi bỗng giật mình. Hình như tôi đã đánh mất những âm thanh ấy, giai điệu ấy lúc nào không hay biết. Những giai điệu của sông ru mỗi phận người…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét