Dường như ai cũng cảm nhận được thời gian của ngày ba mươi Tết sao trôi nhanh đến thế. Vừa mới sáng đây thôi, thoắt cái đã đến trưa rồi. Từ trưa đến tối chẳng còn bao nhiêu. Năm cũ chỉ còn mỗi ngày này. Những người con xa quê có thể trở về đã trở về. Những chuyến xe chở khách đang hối hả chạy chuyến cuối cùng. Đường phố như được khoác trên mình tấm áo mới. Ai nấy tất bật trang hoàng nhà cửa, quét dọn ngõ xóm để tiễn biệt cái cũ, cái không may mắn.
Ngày tận cùng của năm, khó ai có thể bình tâm bởi sự cận kề của cái mới. Chỉ thấy bớt đi cái lạnh, mưa cũng chỉ còn bay bay. Đất trời như bừng tỉnh sau những ngày mưa dầm gió bấc. Đã thấy thấp thoáng màu vàng của mai, màu đỏ của đào trong mỗi căn nhà sáng choang đèn nến. Khi mùa đông rời xa, trong lòng ai như cũng có một nụ hoa chớm nở. Thấy tết về trong ánh mắt, nụ cười của từng người. Thấy tết về trên đôi tay tảo tần của mẹ.
Cuối năm, những muốn chạy ngay về quê, hít hà mùi của khoảnh khắc sum họp gia đình. Ngắm nồi bánh chưng đang sôi ùng ục trên bếp củi gộc. Mùi thơm sực của nồi nước lá mùi già mẹ nấu cho cả nhà tắm gội trước giao thừa. Mẹ bảo, đó là thanh tẩy để thân thể được thơm tho tinh khiết, sáng láng và thiện lương để đón mừng năm mới. Mùi thịt kho tầu, mùi xôi gấc mẹ nấu cúng tất niên quyện hòa trong mùi Tết…
Nhưng nhiều năm nay mẹ sống một mình. Những đứa con của mẹ trưởng thành rồi lần lượt đi làm xa và định cư ở đấy. Tuy nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi, chẳng thiếu thứ gì nhưng sao mẹ vẫn thấy lòng trống trải. Người già thường hay tìm về kỷ niệm. Nhớ lời mẹ dặn, dù đi đâu ở đâu cũng chớ quên gốc gác của mình… Bỗng thấy lòng mình xao động.
Thời khắc ngày cuối cùng của một năm cứ nhích dần, nhích dần. Mẹ cẩn trọng sửa soạn mâm cơm cúng tất niên. Vẻ mặt mẹ trở nên nghiêm trang đến kỳ lạ. Trong làn hương trầm tỏa lan, mẹ đứng trước, con cháu xếp hàng đứng sau lặng nghe lời mẹ khấn. Không phải lời mẹ mà là lời của sông hồ đồi núi, là lời của đồng ruộng nương dâu. Những âm thanh nghe lạ mà quen. Quen lắm nhưng cũng lạ lắm.
Chiều cuối năm, phiên chợ làng bỗng nhiên hối hả. Người vội mua thêm khoanh giò. Kẻ hớt hải vơ thêm nắm lạt. Ai đó cuống cuồng mua thêm trăm lá dong nhưng vẻ mặt vẫn tần ngần vì chưa đủ cơ số, chợ hết lá dong rồi. “Năm nay con cháu về đông nên phải gói thêm vài chục cái bánh chưng nữa”. Lời thở than như nuối tiếc mà chứa chan hạnh phúc. Dường như đó là một lời khoe thì đúng hơn. Đó là hạnh phúc, là niềm vui của các bậc sinh thành. Mẹ nói, vẫn còn năm cũ, chả phải kiêng kỵ gì đâu. Chút nữa sang nhà, tôi chia sớt cho một vài bó về mà gói. Người quê luôn vậy. Làng không còn những nếp nhà mái rạ thấp tè. Thay vào đó là nhiều nhà cao tầng, đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ. Nhưng dáng đi, cách nói và tình làng nghĩa xóm của người quê thì vẫn thế, đậm đà. Con gà trống tót lên cây rơm cong cổ cất tiếng gáy. Tết về thật rồi.
Ngày cuối năm như nhắc ta nhớ về nhau, tìm về nhau, nối lại ngày xưa cho rộng vòng thời gian, nối thêm vòng đời không cạn. Thắp nén nhang thơm lên bàn thờ bỗng thấy cuộc đời được - mất ẩn hiện đâu đó. Vui vì còn được khỏe mạnh, được gặp nhau. Không đơn thuần chỉ là khép lại năm cũ mà còn là sự mong mỏi của cha mẹ già đối với con cháu nơi xa chưa kịp trở về.
Ngày cuối cùng của một năm nhưng chưa bao giờ là tận cùng. Như cuộc đời mỗi con người đều xuất phát từ nơi ấy rồi sẽ lại quay về nơi ấy. Nơi ấy là trái tim của cha mẹ, là cội nguồn của mọi tình yêu.
Chào tạm biệt ngày cuối năm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét